Breadcrumb

Những người “canh gác” ở ranh giới sinh tử Copy

6h sáng, đằng sau cánh cửa của khoa Khoa Gây mê - Hồi sức (GMHS), Bệnh viện Đà Nẵng, đèn điện sáng choang, tiếng thiết bị tít tít liên hồi, tiếng bước chân bác sĩ vội vã… Tất cả âm thanh dồn dập, hòa lẫn vào nhau tạo nên bầu không khí vô cùng hối hả, căng thẳng.

Trở về sau ca phẫu thuật kéo dài gần 1 giờ đồng hồ, từng bước chân gấp gáp nhưng tuyệt nhiên không có tiếng động của các y, bác sĩ đang hướng nhanh về khu vực hồi sức, chăm sóc cho những bệnh nhân sau mổ và những bệnh nhân nặng.

Ít ai biết rằng, một cuộc phẫu thuật sẽ chẳng bao giờ thành công nếu công đoạn GMHS thất bại. Họ là những chiến sĩ thầm lặng, người đầu tiên và cũng là người cuối cùng bước ra khỏi phòng mổ.

Khoa GMHS, Bệnh viện Đà Nẵng được thành lập từ năm 1975, gồm 3 đơn nguyên: Hồi sức, hồi tỉnh và khu phẫu thuật. Hiện, khoa có tổng cộng 170 nhân viên. Mỗi ngày, các y, bác sĩ tham gia thực hiện 80-100 ca phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp, cả mổ phiên hàng ngày đến mổ cấp cứu cho tất cả chuyên khoa như ngoại tổng hợp, tim mạch, phẫu thuật nội soi, ghép thận...

Trong các cuộc phẫu thuật, bao giờ cũng có bác sĩ GMHS và phẫu thuật viên, không bên nào nhẹ hơn, nặng hơn. Thông thường, mỗi kíp gây mê gồm: 1 bác sĩ gây mê, 1 Kỹ thuật viên gây mê, 1 điều dưỡng chạy ngoài, 1 điều dưỡng đưa dụng cụ phục vụ ca mổ, 1 nhân viên y tế sẽ thực hiện vệ sinh phòng mổ trước và sau mổ.

Các y, bác sĩ gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất để làm các công tác chuẩn bị cho ca mổ như phòng mổ, thiết bị và tiến hành các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân... sau đó mới đến phiên của bác sĩ phẫu thuật.

Khi hết ca mổ, các bác sĩ phẫu thuật có thể tháo găng, cởi đồ nhưng ê-kíp GMHS vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình, giúp bệnh nhân thoát mê và có thể từ từ thở tự nhiên không phụ thuộc vào máy thở.

Hơn 20 năm gắn bó với Khoa GMHS, Bệnh viện Đà Nẵng là chừng đó thời gian mà bác sĩ CKII Huỳnh Đức Phát, Trưởng khoa đã cùng các đồng nghiệp tiếp nhận, “canh gác” và giành giật sự sống cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân ở cửa sinh tử.

Theo bác sĩ Phát, trước khi một cuộc phẫu thuật diễn ra, các bác sĩ gây mê sẽ thực hiện một buổi thăm khám để đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, đơn cử như xem xét ảnh hưởng của các loại thuốc đang sử dụng đến quá trình mổ, tình trạng dị ứng và các bệnh lý đi kèm như cao huyết áp, đái tháo đường cũng như vấn đề dinh dưỡng của bệnh nhân, có sút cân nhiều trong thời gian gần đây không. Từ đó, các bác sĩ gây mê sẽ lựa chọn phương pháp vô cảm (gây mê hoặc gây tê) phù hợp và an toàn.

“Điều quan trọng của bác sĩ gây mê trong thăm khám thì phải giải thích, động viên tinh thần để bệnh nhân bước vào phòng mổ sẽ giảm bớt sự lo lắng”, bác sĩ Phát nói.

Bác sĩ CKII Huỳnh Đức Phát cho biết, trong quá trình phẫu thuật, ê-kíp gây mê phải theo dõi sát bệnh nhân để điều chỉnh liều lượng thuốc mê phù hợp; “canh gác” dấu hiệu sinh tồn của mạch, huyết áp, nhịp thở.

“Trong gây mê, không có một công thức chung nào cho tất cả các bệnh nhân, nếu sai một ly có thể đi một đời người. Vì vậy, công việc này đòi hỏi phải thật sự tập trung, nhạy cảm và chính xác đến từng chi tiết. Bởi, nếu thuốc mê sử dụng chưa đủ lượng, bệnh nhân có thể thức tỉnh, ảnh hưởng đến cuộc phẫu thuật, hoặc ngược lại nếu dùng thuốc quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến huyết động, biến cố trên tim mạch, thần kinh”, bác sĩ Phát chia sẻ.

Thời gian qua, trong các ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhân nặng, nguy hiểm tại Bệnh viện Đà Nẵng đều có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ bác sĩ GMHS. Đội ngũ y, bác sĩ tại khoa đã đồng hành, tạo “bệ đỡ” an toàn giúp phẫu thuật viên vững tin, hoàn thành tốt từng ca mổ, trong đó có nhiều trường nguy kịch trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, tưởng chừng như không thể giữ được sự sống.

Bác sĩ CKII Huỳnh Đức Phát cho biết, trong quá trình phẫu thuật, nếu có tai biến xảy ra, chẳng hạn như: mất máu, mạch giảm, huyết áp tụt... thì các bác sĩ gây mê phải luôn ở tuyến đầu, xử trí kịp thời để cuộc phẫu thuật được diễn ra an toàn, thuận lợi.

Đơn cử như có trường hợp bệnh nhân bị dao đâm vào lưng trái, xuyên qua phổi, xuyên tim, cấp cứu tại Bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, mất nhiều máu, khó thở, huyết áp tụt, các chỉ số sinh tồn báo động...Trước tình hình diễn biến xấu, bệnh nhân ngay lập tức được thực hiện các biện pháp cấp cứu, phẫu thuật, truyền máu...

“Vết thương thủng tim - phổi là thương tổn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch, cần phải cấp cứu khẩn cấp. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng choáng không hồi phục, có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng. Do đó, ca phẫu thuật vết thương tim phổi được xem là phẫu thuật vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có êkíp phẫu thuật, GMHS có trình độ chuyên môn cao. Đó là một trong những ca bệnh mà chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều mới có thể cứu sống được bệnh nhân”, bác sĩ Phát nói.

Theo bác sĩ CKII Hà Phước Hoàng, Phó Trưởng Khoa GMHS, Bệnh viện Đà Nẵng, GMHS là công việc thầm lặng nhưng đặc biệt quan trọng, đòi hỏi đội ngũ y, bác sĩ phải luôn hết sức khẩn trương, cẩn trọng, tỉ mỉ, nghiêm túc và chuyên nghiệp. Nếu gây mê không đúng chỉ định thì không thể sửa, thậm chí dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.

“Nhiều người nghĩ gây mê hồi sức đơn giản chỉ là chích một mũi thuốc hoặc cho bệnh nhân hít khí gây mê để bệnh nhân ngủ sâu và không đau, nhưng thực tế thì khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Một cuộc gây mê phải sử dụng đến 3 loại thuốc là thuốc gây mê, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ đảm bảo các cơ được giãn hoàn toàn, không đau và hạn chế đau sau mổ. Các bác sĩ phải điều chỉnh máy móc và phương tiện hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho người bệnh trong suốt ca phẫu thuật, khi mổ xong phải đưa bệnh nhân trở về như trạng thái ban đầu”, bác sĩ Hoàng cho biết.

Cũng theo bác sĩ Hoàng, trong GMHS, có nhiều kỹ thuật vô cùng khó như đặt ống nội quản vào đường thở, đặt catheter trung tâm vào tĩnh mạch, động mạch để đo huyết áp xâm lấn liên tục. Do đó, đòi hỏi các bác sĩ phải thành thạo, nhất là những ca nặng, choáng chấn thương, đông máu, thủng tim.

"Cuộc chiến" của các bác sĩ GMHS không dừng lại sau khi kết thúc ca mổ mà còn tiếp tục nhiệm vụ của mình là hồi sức cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân chuyển sang phòng hồi tỉnh để chăm sóc hậu phẫu. Trong giai đoạn này các bác sỹ gây mê tiếp tục hồi sức, theo dõi sức khỏe người bệnh, đưa các chức năng sống của bệnh nhân trở về bình thường, thoát khỏi sự thay thế và hỗ trợ của máy móc.

Họ chính là những người đã giữ cho bệnh nhân ngủ yên hàng giờ để bác sĩ phẫu thuật hoàn thành ca mổ và cũng chính họ đã giúp cho bệnh nhân tỉnh táo dù trước đó có người rơi vào cảnh thập tử nhất sinh. Công việc vất vả là vậy nhưng khi nói đến vinh quang, hầu như bác sĩ gây mê nào cũng “cười buồn”.

“Tuy công việc thầm lặng, vất vả và cũng hơi buồn khi ít người nhớ đến nhưng chúng tôi cảm thấy tự hào khi được thực hiện sứ mệnh cứu người. Tôi cũng mong mọi người đừng nhớ đến bác sĩ GMHS, vì khi nhớ đến chúng tôi thì trong trường hợp bệnh nhân đã xảy ra tai biến nặng”, bác sĩ CKII Huỳnh Đức Phát bộc bạch.

Tâm sự với chúng tôi, bác sĩ CKII Hà Phước Hoàng, Phó Trưởng Khoa GMHS cho biết, hiện nay, cái khó của bác sĩ GMHS nói chung là thiếu nguồn nhân lực và trang thiết bị hiện đại để phục vụ bệnh nhân. Càng nhiều bệnh nhân, áp lực càng gia tăng, có những đợt cao điểm, khoa phải huy động đội ngũ y, bác sĩ trực 24/24 giờ để cứu chữa người bệnh.

“Tuy khó khăn, áp lực nhưng chúng tôi luôn động viên anh em ở lại thực hiện nhiệm vụ vì nếu thiếu người sẽ ảnh hưởng tính mạng của rất nhiều bệnh nhân. Thời gian không phải là yếu tố quyết định lúc nào bác sĩ được nghỉ ngơi, mà chính bệnh nhân là người quyết định. Hạnh phúc của người thầy thuốc đơn giản là khi giúp được nhiều người bệnh vượt qua bệnh tật, khỏe mạnh trở lại. Sức khỏe và niềm tin của người bệnh là nguồn động lực lớn lao để chúng tôi thêm yêu, gắn bó với nghề”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.

12 giờ trưa, đứng trước cửa phòng hồi sức sau phẫu thuật, không khí làm việc lúc này vẫn vô cùng căng thẳng, âm thanh rì rầm của những máy móc đang hỗ trợ sự sống cho hàng chục bệnh nhân, bước chân vội vã như chạy, đôi bàn tay thuần thục, sự tập trung cao độ của các điều dưỡng viên khiến tôi không thể rời mắt.

Cống hiến tại Khoa GMHS 15 năm tuổi trẻ, điều dưỡng Ngô Thị Thanh Phương đủ “thấm” cái vất vả, khắc nghiệt của công việc này.

Chị Phương tâm sự, đặc thù của phòng hồi sức là vô trùng, cách ly gần như hoàn toàn với người nhà. Do đó, công việc hằng ngày của người điều dưỡng như chị sẽ chăm sóc toàn diện từ tiêm thuốc, thay băng, xét nghiệm đến chuyện ăn uống cho rất nhiều bệnh nhân sau phẫu thuật. Với số lượng bệnh nhân nặng thì tình trạng quá tải công việc ở đây là điều không thể tránh khỏi.

“Mỗi ca trực của tôi kéo dài 12 tiếng, thậm chí có lúc 24 tiếng, không chỉ riêng tôi mà các bác sĩ, điều dưỡng ở Khoa GMHS cũng đã quen với nhịp độ, cường độ công việc như vậy. Dù mệt đến mấy nhưng khi nhìn thấy bệnh nhân mỉm cười rạng rỡ trên giường bệnh, từng ngày hồi phục sức khỏe thì chúng tôi như được tiếp thêm động lực để cố gắng”, chị Phương thổ lộ.

Rời Khoa GMHS, Bệnh viện Đà Nẵng, chúng tôi nhận ra một điều rằng không có bất cứ lời ngợi ca nào có thể đong đếm hết những hy sinh, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ. Dẫu cho cơ thể họ có mệt nhoài, nhưng họ vẫn nguyện một lòng kiên định gắn bó với căn phòng ngập ngụa mùi thuốc, vật lộn từng giờ, từng phút để đấu tranh giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Hòa nhịp cùng y tế cả nước, ngành Y tế thành phố trong nhiều năm qua đã có biết bao y, bác sĩ gồng mình vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vượt qua mọi lực cản để cứu chữa bệnh nhân. Họ đã gác lại cuộc sống riêng tư, hạnh phúc gia đình để tấm áo blouse khoác trên người mãi mãi là điểm tựa vững chắc cho người dân.

THỦY THANH

Ảnh: Thủy Thanh,  Bệnh viện Đà Nẵng cung cấp

 

Tin tức - sự kiện

Chưa có bình luận ý kiến bài viết!

Tets lần 2
Test 54333
Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu phát triển của TP.Hồ Chí Minh yêu cầu
test 2 3 5
Hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR năm 2022, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023
Test 11 Phấn đấu đạt cao nhất kết quả công tác cải cách hành chính năm 2025

Test 11 Phấn đấu đạt cao nhất kết quả công tác cải cách hành chính năm 2025

Sáng 17/1, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 Thành phố năm 2024 tổ chức phiên họp. Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan chủ trì phiên họp.

Lan tỏa mô hình “Dân vận khéo” trong chăm sóc mắt cộng đồng - Bạn thấy, tôi cười, muôn người hạnh phúc Test lần 1.2

Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc mắt cho người cao tuổi ngày càng cao, một mô hình “Dân vận khéo” mang đậm tính nhân văn đang được ngành y tế thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện: tổ chức khám sàng lọc, tư vấn khúc xạ và bệnh lý về mắt, cấp kính miễn phí cho người cao tuổi tại bệnh viện.

Lan tỏa mô hình “Dân vận khéo” trong chăm sóc mắt cộng đồng - Bạn thấy, tôi cười, muôn người hạnh phúc test

Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc mắt cho người cao tuổi ngày càng cao, một mô hình “Dân vận khéo” mang đậm tính nhân văn đang được ngành y tế thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện: tổ chức khám sàng lọc, tư vấn khúc xạ và bệnh lý về mắt, cấp kính miễn phí cho người cao tuổi tại bệnh viện.

Test 11221

Tets 345

Xuất bản thông tin

THÔNG TIN CẦN BIẾT

Navigation Menu