Breadcrumb

Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017

I. Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm

Năm 2017 là năm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chương trình “Thành phố 4 an”, đồng thời cũng là năm diễn ra các sự kiện lớn như: Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Lễ hội pháo hoa quốc tế, Đại Hội Du Lịch Golf Châu Á 2017..

Ngay từ đầu năm,UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017, Nghị quyết số 02-NQ/TU của Thành ủy và Nghị quyết số 83/NQ-HĐND của HĐND thành phố về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp v.v.. Nhờ đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm tăng trưởng khá, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 7,9% so với cùng kỳ 2016. Kết quả cụ thể trên các ngành, lĩnh vực như sau:

1. Về kinh tế

1.1. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng ước đạt 36.104 tỷ đồng, đạt 64,5% kế hoạch, tăng 10,8% so với cùng kỳ 2016 (KH tăng 10,5-11,5%); Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 10,1% (KH tăng 12%). Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong quý III/2017 duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2016, tuy nhiên, so với các tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng có chậm lại, nguyên nhân do có một số ngành hàng, sản phẩm lớn không còn tăng trưởng mạnh như trong các tháng đầu năm: săm lốp cao su, bê tông và các sản phẩm từ xi măng, cấu kiện kim loại, bia, sản xuất dụng cụ thể thao và đồ chơi trẻ em. Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất quan trọng khác vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt kể từ giữa quý II đến nay như: sản xuất đồ uống không cồn, may mặc, sản xuất sắt thép, điện tử, sản xuất thiết bị điện, sản xuất máy móc thiết bị, chế biến sữa và sản phẩm từ sữa... Ngoài ra, một số ngành sản xuất tiếp tục sụt giảm do thị trường tiêu thụ kém thuận lợi, đến nay vẫn chưa hồi phục như: sản xuất giày dép, ngành giấy, sản xuất dây bện và lưới, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy v.v..; tuy nhiên, các ngành này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thể ngành công nghiệp thành phố nên mức độ ảnh hưởng không đáng kể. 

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã thu hút được 34 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư 783,8 tỷ đồng  và 01 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao với tổng số vốn đầu tư 50 tỷ đồng,  đến nay đã thu hút được 06 dự án vào Khu công nghệ cao, tổng vốn đầu tư 144 triệu USD. Thành phố đã phê duyệt sơ đồ ranh giới điều chỉnh và thực hiện công bố quy hoạch các khu công nghiệp: Hòa Nhơn, Hòa Cầm - giai đoạn 2, Hòa Ninh; hiện thành phố đang triển khai các thủ tục để sớm đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp mới và phấn đấu hoàn thành, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 11/2017. Triển khai các thủ tục thành lập các cụm công nghiệp: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc; xây dựng phương án giá thuê đất ưu đãi trong các cụm công nghiệp và một số tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng.

1.2. Giá trị sản xuất thuỷ sản - nông - lâm (giá CĐ 2010) 9 tháng ước đạt 1.873 tỷ đồng, đạt 88,3% kế hoạch, tăng 3,2% so với cùng kỳ 2017; sản lượng khai thác 9 tháng ước đạt 30.200 tấn, đạt 86,3% kế hoạch, giảm 1,7%.

Thành phố tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi khai thác; hoàn thành hồ sơ triển khai Dự án Xây dựng nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang và triển khai công tác Quy hoạch Trung tâm nghề cá lớn. Sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2017 và vụ Hè thu đạt kết quả tốt, tập trung triển khai các mô hình chuyển đổi cơ cấu giống lúa trung ngắn ngày, lúa chất lượng cao, trình diễn giống lúa mới, sản xuất theo quy trình hữu cơ và đầu tư các mô hình sản xuất rau an toàn, rau thủy canh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát. Thành phố đã ban hành Cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2017-2020; phê duyệt 7 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xúc tiến triển khai lập Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hòa Ninh, diện tích 117 ha.

Trong 9 tháng đầu năm, thành phố tập trung công tác chỉ đạo, xử lý các vụ việc xâm hại rừng trái phép; tổ chức kiện toàn bộ máy tổ chức lực lượng Kiểm lâm; tổ chức chăm sóc rừng trồng, xây dựng phương án chuyển hóa rừng giống từ rừng tự nhiên; triển khai các giải pháp để phòng chống cháy rừng và ứng phó kịp thời khi xảy ra trường hợp phát lửa, không để xảy ra cháy rừng; tăng cường công tác tuần tra, truy quét, tổ chức chốt chặn tại các khu vực dễ bị tác động, tổ chức 414 đợt kiểm tra tại rừng, tăng 33 đợt so với cùng kỳ 2016, phát hiện lập biên bản 55 vụ vi phạm, khởi tố và chuyển hồ sơ 01 vụ án hình sự và 03 vụ phá rừng trái phép để làm nương rẫy cho cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, xử lý.

1.3. Các lĩnh vực dịch vụ phát triển ổn định. Thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển mạnh các ngành dịch vụ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035, duy trì định hướng cơ cấu kinh tế “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”.

Dịch vụ du lịch tiếp tục phát triển sôi động với nhiều hoạt động thu hút khách du lịch, đặc biệt là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017. Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng 9 tháng ước đạt 5.150,1 nghìn lượt, đạt 81,7% kế hoạch, tăng 22,7% so với cùng kỳ 2016, trong đó khách quốc tế ước đạt 1.766,2 nghìn lượt, đạt 88,3% kế hoạch, tăng 49%; tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 15.141,3 tỷ đồng, đạt 81,8% kế hoạch, tăng 24,4%. Trong 9 tháng, thành phố đã xúc tiến mở 04 đường bay thường kỳ và một số đường bay thuê chuyến từ Trung Quốc; đến nay, thành phố có 26 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, trong đó có 13 đường bay trực tiếp thường kỳ và 23 đường bay trực tiếp thuê chuyến.

Hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm và bảo vệ môi trường du lịch tiếp tục được đẩy mạnh. Thành phố tham gia các Hội chợ, chương trình xúc tiến du lịch trong vào ngoài nước; xúc tiến mở các đường bay mới tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; đón đường bay Hongkong - Đà Nẵng, Daegu - Đà Nẵng, Osaka - Đà Nẵng; tham dự Lễ công bố Bộ nhận diện thương hiệu 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế; phối hợp thực hiện 4 bộ phim quảng bá du lịch trên kênh truyền hình Việt Nam (S -Việt Nam) và chương trình Việt Nam tươi đẹp của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV); đưa vào sử dụng Ứng dụng du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động (App Danang FantastiCity) được người dân và du khách hưởng ứng tích cực. Thường xuyên kiểm tra, đảm bảo môi trường du lịch, không để xảy ra tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách; ban hành Quy chế hoạt động của Tổ phản ứng nhanh đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong hoạt động du lịch; rà soát, kiểm tra công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các bãi biển du lịch Đà Nẵng, các khu điểm du lịch, giữ vệ sinh môi trường tại khu vực đỉnh đèo Hải Vân; phối hợp theo dõi, kiểm tra xử lý tình trạng ăn xin biến tướng, bán hàng rong, lấn chiếm lòng đường tại một số tuyến đường chính và các khu vực nhà hàng ven biển. Thường xuyên thanh, kiểm tra các đơn vị kinh doanh du lịch.

Hoạt động thương mại khá sôi động với nhiều sự kiện trong các dịp Lễ, Tết và thời điểm bước vào mùa du lịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng ước đạt 61.150 tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch, tăng 15,4% so với cùng kỳ 2016. Thị trường thành phố 9 tháng ổn định, công tác kiểm soát thị trường được tăng cường, nhất là trong dịp Tết, lễ hội pháo hoa DIFF 2017, không để xảy ra các hiện tượng biến động về giá, đầu cơ, nâng giá; nguồn cung lương thực, thực phẩm phong phú đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng đầu năm 2017 tăng 3,97% so với bình quân cùng kỳ 2016.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 1,093 tỷ USD, đạt 75,4% kế hoạch năm, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2016 (KH tăng 11-12%). Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực duy trì mức tăng trưởng khá, cụ thể: cao su thành phẩm ước đạt 34,4 triệu USD, tăng 68,5% so với cùng kỳ 2016 và tăng mạnh ở các thị trường Brasil, Myanmar, Malaysia, Thái Lan do đang có lợi thế cạnh tranh lớn so với sản phẩm cao su cùng loại của Trung Quốc; sản phẩm dệt may ước đạt 280 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2016 do các doanh nghiệp dệt may đã tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu khi các dòng thuế vào một số thị trường lớn đang có xu hướng giảm dần; các mặt hàng khác tăng trưởng tương đối ổn định nhờ duy trì được thị trường truyền thống như: thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ ước đạt 11,1 triệu USD, tăng 16,8%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 345 triệu USD, tăng 15,2%; đồ chơi trẻ em ước đạt 58,9 triệu USD, tăng 13,7%; xuất khẩu thủy sản tuy có tăng trở lại nhưng vẫn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn ước đạt 138 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ 2016.

Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng ước đạt 987,2 triệu USD, đạt 80,6% kế hoạch năm, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2016; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Khối lượng luân chuyển hành khách 9 tháng ước đạt 1.088,3 triệu khách.km, đạt 75,1% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ 2016; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 2.464,6 triệu tấn.km, đạt 70,4 % kế hoạch, tăng 1,6%; sản lượng hàng hóa qua Cảng ước đạt 5,9 triệu tấn, đạt 78,7 % kế hoạch, tăng 10%; doanh thu vận tải ước đạt 6.803,7 tỷ đồng, đạt 73,0% kế hoạch, giảm 1,0%.

Thành phố đã khai trương đưa vào hoạt động tuyến xe buýt TMF do quỹ Toyota tài trợ, tuyến buýt N1 mui hở 01 và 02 tầng (Sân bay Đà Nẵng - Cocobay) để vận chuyển khách tham quan du lịch, nâng tổng số tuyến xe buýt nội thị đang vận hành trên địa bàn thành phố lên 07 tuyến. Thường xuyên chấn chỉnh tình hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đối với các đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định và hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe taxi cũng như một số loại hình khác như: Uber, Grab taxi v.v..; tăng cường kiểm tra xử lý các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động "xe dù - bến cóc", xe trá hình. Ngành chức năng đã tổ chức triển khai các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông thành phố như: tổ chức giao thông một chiều, phân luồng tuyến các phương tiện tham gia giao thông; cải tạo các nút giao phức tạp; lắp đặt hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm giao thông; triển khai lập quy hoạch chi tiết TL1/500 bãi đỗ xe số 255 Phan Châu Trinh v.v..

Hoạt động bưu chính - thông tin - truyền thông phát triển khá. Tổng doanh thu toàn ngành 9 tháng ước đạt 16.303,5 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch, tăng 9% so với cùng kỳ 2016; Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 50,055 triệu USD, đạt 83% kế hoạch, tăng 15%.

Trong 9 tháng, ngành chức năng đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai sắp xếp, chỉnh trang cáp thông tin trên các tuyến đường, ưu tiên các tuyến đường phục vụ APEC 2017; kịp thời kiểm tra, xử lý 50 trường hợp phản ánh của người dân về cáp treo sà võng, cột treo cáp mất an toàn và mỹ quan trên địa bàn thành phố; kiểm tra thực tế đối với 63 trạm BTS thân thiện môi trường; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với 322 số điện thoại quảng cáo, rao vặt sai quy định.

Thành phố đã ban hành các chính sách nhằm bảo đảm tốt việc vận hành các Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, cập nhật, bổ sung một số tính năng mới cho hệ thống, đặc biệt là tích hợp chữ ký số trên ứng dụng Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến 100% các cơ quan thuộc UBND thành phố; hoàn thành công tác kiểm tra, đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố; triển khai chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước; xúc tiến triển khai giai đoạn 1 dự án Trung tâm An toàn thông minh (ENSURE) do Bộ Nội vụ Hàn Quốc tài trợ.

Công tác quản lý nhà nước về thông tin - báo chí được tăng cường: hoàn thành công tác rà soát hơn 8.500 trang thông tin điện tử của các tổ chức, cá nhân và trang thông tin điện tử có tên miền quốc tế trên địa bàn thành phố; triển khai đăng ký, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và báo cáo công tác tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4, tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Doanh thu hoạt động in, phát hành báo chí, xuất bản 9 tháng đạt 703,5 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ 2016.

Hoạt động ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh, đến cuối tháng 9/2017 tổng nguồn vốn huy động ước đạt 110,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% so với cuối năm 2016; tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước 108,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1% so với cuối năm 2016. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 57 tổ chức tín dụng, tổng số phòng giao dịch trên địa bàn là 245, tổng số ATM trên địa bàn là 496 máy. Ngành chức năng cũng đã tăng cường giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất huy động và cho vay, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng  nhằm chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đến 31/8/2017, các ngân hàng đã giải ngân cho 09/10 khách hàng cá nhân được vay hỗ trợ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản với tổng dư nợ đạt 107,01 tỷ đồng, tổng số cam kết giải ngân là 120,63 tỷ đồng.

2. Thu hút đầu tư trong, ngoài nước và các hoạt động đối ngoại

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố 9 tháng ước đạt 28.059 tỷ đồng, đạt 74,9% kế hoạch, tăng 10,8% so với cùng kỳ 2016.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dân doanh duy trì ổn định. Trong 9 tháng, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.416 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng số vốn đăng ký đạt 18.408 ngàn tỷ đồng, tăng 6,3.% về số doanh nghiệp và tăng 37,05% về số vốn so với cùng kỳ 2016; hoàn tất thủ tục giải thể cho 281 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, và có 982  doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 21.742 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 140.664 ngàn tỷ đồng. Thành phố cũng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án với tổng mức đầu tư là 10.058,3 tỷ đồng.

Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục được chú trọng. Trong 9 tháng đầu năm, thành phố có 73 dự án FDI được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 61,6 triệu USD (tăng 4 lần so với cùng kỳ 2016); có 05 dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 894,22 nghìn USD. Lũy kế đến nay, thành phố có 525 dự án với tổng vốn đầu tư 2,998 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, số vốn nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế là 53,5 tỷ đồng. Ngoài ra thành phố hiện đang xúc tiến 12 dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD chủ yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lượng, công nghệ thông tin, công nghiệp, logistic... Riêng dự án Khu Công viên phần mềm số 02 do Tập đoàn Sembcorp làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 91,6 triệu USD hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Thành phố hiện có 05 dự án sử dụng vốn ODA do thành phố quản lý đang được triển khai thực hiện, tổng vốn đầu tư khoảng 390 triệu USD; trong đó vốn ODA đạt 314 triệu USD, chiếm 80% tổng số vốn; đến nay, tổng giải ngân vốn ODA và vốn đối ứng của các dự án đạt 491,929 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch, trong đó vốn ODA đạt 283,8 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch, vốn đối ứng đạt 208,2 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch. Ngoài ra, thành phố hiện có 05 dự án đang trong giai đoạn xúc tiến chính thức đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và vận động các nhà tài trợ. Trong 9 tháng, thành phố đã phê duyệt và tiếp nhận 47 khoản viện trợ phi chính phủ nhà nước với tổng giá trị cam kết đạt 104,8 tỷ đồng, trong đó có 27 chương trình, dự án, tổng giá trị cam kết 92,8 tỷ đồng và 20 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO), tổng giá trị cam kết hơn 12 tỷ đồng.

Thành phố đã tổ chức Hội nghị triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ, đến nay đã hỗ trợ 11doanh nghiệp với kinh phí 604 triệu đồng; ban hành Đề án Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trong giai đoạn 2017-2018; xây dựng Chương trình phát động phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên” thu hút hơn 1.000 sinh viên tham dự. Thành phố tiếp tục duy trì thứ hạng dẫn đầu cả nước năm thứ 4 liên tiếp về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (Par index) và năm thứ 8 liên tiếp về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT).

Các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được chú trọng; lũy kế 9 tháng, lãnh đạo thành phố tiếp và làm việc với 82 đoàn, nổi bật có các đoàn: đoàn Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào; đoàn Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Sekong; đoàn Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Xay-xổm-bun; đoàn Đại sứ Nhật Bản v.v..; tổ chức thành công các hoạt động ngoại giao kinh tế như: Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào, 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào, 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào, lễ hội giao lưu văn hóa ẩm thực Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 04.

3. Công tác chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng

Về chỉ đạo,điều hành: Lãnh đạo thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị Tuần lễ cấp cao APEC của thành phố, kịp thời chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan. Duy trì chế độ báo cáo, cập nhật và trao đổi thông tin về công tác chuẩn bị với Ủy ban Quốc gia và các Tiểu ban - UBQG, tham dự đầy đủ các phiên họp của Ủy ban Quốc gia. Tổ chức đón tiếp chu đáo đoàn Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đoàn công tác của các Tiểu ban và Ủy ban Quốc gia đến Đà Nẵng kiểm tra, khảo sát.

- Về cơ sở vật chất: Thành phố thường xuyên kiểm tra tiến độ hàng tháng, đôn đốc chủ đầu tư các công trình khẩn trương hoàn thành các hạng mục thi công, cải tạo theo kế hoạch đề ra, chỉ đạo các đơn vị liên quan của thành phố kịp thời hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị. Trong đợt tiền trạm lần 1 chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao (TLCC) của các nền kinh tế thành viên APEC tại Đà Nẵng, các đoàn về cơ bản đều tỏ ra hài lòng với cơ sở vật chất và bố trí của Việt Nam tại các địa điểm diễn ra các Phiên họp trong TLCC và đánh giá cao sự chuẩn bị về cơ sở vật chất dành cho phóng viên, nhất là Trung tâm Báo chí. Đến nay, các công trình phục vụ TLCC đã hoàn thành cơ bản các hạng mục hạ tầng theo tiến độ yêu cầu, hiện đang hoàn tất việc bố trí trang thiết bị, nội thất. Các công trình tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đảm bảo tiến độ thi công, Nhà ga quốc tế đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 19/5/2017; tập trung hoàn thành dự án nhà ga khách VIP tại nhà ga quốc tế, dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía bắc và dự án cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay trước nhà ga quốc tế vào cuối tháng 9/2017; xây dựng, hoàn thành Công viên APEC tại Đà Nẵng, liên hệ đốc thúc các nền kinh tế gửi tượng đến Đà Nẵng để đóng góp cho Công viên; triển khai các kế hoạch trang trí, cải tạo Trung tâm Hành chính phục vụ cho các cuộc tiếp song phương của lãnh đạo cấp cao Việt Nam; triển khai công tác khảo sát, phân bổ khách sạn cho lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC và đại biểu tham dự. Thành phố cũng chỉ đạo quyết liệt công tác chỉnh trang đô thị và đảm bảo trật tự đô thị, tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp cho thành phố; đảm bảo hạ tầng thông tin, liên lạc, nguồn cung cấp điện, nguồn cung cấp nước, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng tối đa các nhu cầu trong thời gian diễn ra TLCC.

- Về tuyên truyền - Văn hóa: Thành phố tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho APEC và hình ảnh thành phố thông qua các hình thức cổ động trực quan trên các tuyến đường trọng điểm, đăng tải nhiều bài phỏng vấn lãnh đạo thành phố và bài viết về công tác chuẩn bị của thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân như tổ chức Hội nghị Chia sẻ kiến thức APEC 2017 với doanh nghiệp Đà Nẵng và Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã xây dựng các chương trình quảng bá, giới thiệu hình ảnh thành phố qua kênh phóng viên báo chí nước ngoài; phối hợp với Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia triển lãm giới thiệu về tiềm năng, cơ hội phát triển của thành phố nhằm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.

- Về lễ tân - hậu cần: Thành phố đã phối hợp Đại sứ quán New Zealand và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo tiếng Anh cho lãnh đạo và cán bộ công chức (CBCC) thành phố; chương trình đào tạo tiếng Anh cho CBCC thành phố phụ trách an ninh, y tế phục vụ APEC. Tổ chức tuyển chọn liên lạc viên, tình nguyện viên phục vụ TLCC và phối hợp Tiểu ban Lễ tân tổ chức đào tạo đợt 1 cho các liên lạc viên, tình nguyện viên. Thành phố đã tổ chức đón tiếp chu đáo đoàn tiền trạm lần 1 các nền kinh tế thành viên APEC đến Đà Nẵng. Tham gia góp ý nhiều đề án, kế hoạch liên quan đến công tác lễ tân, hậu cần, đón tiếp khách tham dự TLCC, chương trình phu nhân/phu quân v.v..

- Về công tác an ninh, y tế: Thành phố đã và đang phối hợp chặt chẽ với Tiểu ban An ninh-Y tế, Ủy ban quốc gia APEC 2017 khảo sát, xây dựng nhiều phương án nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong thời gian diễn ra TLCC APEC tại thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra, để tranh thủ cơ hội APEC 2017, thành phố đã xây dựng nhiều hoạt động bên lề, trong đó nổi bật là Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017 nhằm quảng bá tiềm năng, cơ hội và các chính sách hỗ trợ của chính quyền thành phố đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Diễn đàn bao gồm các sự kiện như: Hội nghị Phát triển cơ sở hạ tầng, Bất động sản, Công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, Công nghệ thông tin, Du lịch, Y tế và Giáo dục - đào tạo, Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khởi nghiệp và các hoạt động phụ trợ khác.

4. Quản lý đầu tư - xây dựng cơ bản, quản lý quy hoạch, đô thị và tài nguyên môi trường

Thành phố đã triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050; tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh lập Quy hoạch tổng thể cảnh quan hai bên bờ Sông Hàn; tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch và thiết kế cảnh quan khu vực ven biển phía Bắc thành phố và phương án thiết kế quy hoạch, kiến trúc Quảng trường trung tâm thành phố, quy hoạch cảnh quan công viên hai đầu cầu và cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi; lập Quy hoạch tổ chức không gian và thiết kế cảnh quan khu vực dọc tuyến ven biển phía Bắc, phía Đông thành phố.

Tổng chi đầu tư XDCB theo dự toán được giao năm 2017 trong 9 tháng ước thực hiện 2.583 tỷ đồng (không kể vốn ODA), đạt 46,18% dự toán (cùng kỳ năm 2016 là 47,7%). Tỷ lệ giải ngân thấp, nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án còn triển khai rất chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình. Bên cạnh đó, giá trị đền bù thực tế của các dự án thường cao hơn giá trị đền bù được phê duyệt dẫn đến không thể giải ngân kế hoạch vốn đã được giao do vướng Thông tư 08/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Ngoài ra, nhiều công trình được bố trí kế hoạch vốn năm 2017 tương đối lớn, nhưng chưa hoàn thành các thủ tục để khởi công nên chưa có khối lượng để giải ngân…

Trước tình hình đó, thành phố đã tích cực chỉ đạo các đơn vị thực hiện giải tỏa đền bù đẩy nhanh tiến độ sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, quản lý dự án để tập trung triển khai thi công công trình; chỉ đạo các chủ đầu tư quản lý dự án đôn đốc đơn vị thi công tập trung nhân lực, vật tư, máy móc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thiện hồ sơ thủ tục, nghiệm thu khối lượng hoàn thành và lập thủ tục thanh toán với các Kho bạc Nhà nước, không để dồn khối lượng thanh toán vào tháng cuối năm; rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt của các bước thủ tục XDCB tại các sở chuyên môn ít nhất 20%; kịp thời có văn bản chỉ đạo Kho bạc Nhà nước cho giải ngân đối với các dự án bị vướng Thông tư 08/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính; đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước …

Trong 9 tháng đầu năm, đã hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình lớn phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 như Nút giao thông phía Tây cầu sông Hàn, Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cải tạo Trung tâm Hội chợ triển lãm thành Trung tâm báo chí phục vụ công tác truyền thông, Cải tạo, sửa chữa Cung thể thao Tuyên Sơn phục vụ việc dự phòng địa điểm tổ chức Gala Dinner… và các công trình lớn khác như Nâng cấp đường Chế Lan Viên, Cải tạo, nâng cấp đường Ngô Thì Nhậm (đoạn từ nút giao với đường sắt đến TTHC quận Liên Chiểu), Nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐH8 (từ QL14B đi hồ Đồng Nghệ và đoạn bổ sung của tuyến đường ĐH4 từ QL14B đến giáp đường vành đai phía Nam), Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi, Mở rộng Cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tập trung tại Bàu Bàng, Xây mới nhà làm việc và sửa chữa vườn ươm Trạm Lâm sinh và Phát triển giống lâm nghiệp, Xây dựng công trình nước sạch 4 thôn Sơn Phước, Mỹ Sơn, Đông Sơn, An Sơn; Chung cư thu nhập thấp tại Khu TĐC Phước Lý (2 block 7 tầng và 3 block 9 tầng) v.v, Trung tâm chăm sóc và giáo dục mầm non Onesky Đà Nẵng (vốn ngân sách và vốn tài trợ của nước ngoài), Bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Đình làng Mỹ Khê … Đặc biệt đã kịp hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ năm học mới 2017 – 2018 các công trình trường Tiểu học học ngày 2 buổi: Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu), Trường Tiểu học Nguyễn Như Hạnh (Q. Cẩm Lệ), Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (Q. Cẩm Lệ), Trường Tiểu học Diên Hồng (Q. Cẩm Lệ), Trường Tiểu học Hai Bà Trưng (Q. Sơn Trà), Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Q. Liên Chiểu)…

Thành phố đã giải quyết di dời và thu hồi quản lý 05/09 khu tập thể xuống cấp; triển khai bán thí điểm 516/846 căn hộ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước. Công tác quản lý kiến trúc đô thị được thực hiện đảm bảo theo quy định, ngành chức năng đã cấp 1.909 giấy phép xây dựng và 184 giấy xác nhận quy hoạch. Thành phố đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển khu D2 quốc gia Sơn Trà và đang tổ chức rà soát các dự án có liên quan, báo cáo trước 30/8/2017.

Công tác xử lý điểm nóng về môi trường tiếp tục được chú trọng như: tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại Công ty Cổ phần thép Dana Úc và Dana Ý; thực hiện các giải pháp liên quan đến hiện tượng cá chết trên sông Cổ Cò, ô nhiễm môi trường do các cửa xả ven biển. Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án “Thu gom rác theo giờ”, tổ chức thực hiện “Tháng hành động vì môi trường”; thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn tại 02 phường Thuận Phước và Thạch Thang trong khuôn khổ Dự án “Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế tại thành phố Đà Nẵng” do JICA tài trợ; triển khai thực hiện Chương trình quan trắc môi trường nước và không khí theo Đề án Xây dựng mạng lưới quan trắc không khí và nước thành phố; thực hiện thanh tra về hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, tư vấn hồ sơ môi trường và tài nguyên nước đối với 17 đơn vị, lập thủ tục xử phạt vi phạm hành chính 12 đơn vị vi phạm với tổng số tiền gần 2,2 tỷ đồng.

5. Công tác thu, chi và quản lý, điều hành ngân sách

Thành phố đã tập trung, tích cực triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển nhằm tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, theo đúng dự toán giao, đảm bảo sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ quy định. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 17.198 tỷ đồng, đạt 82,3% dự toán, trong đó: thu nội địa ước đạt 14.750 tỷ đồng, đạt 81,5% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 2.380 tỷ đồng, đạt 84,9% dự toán; tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 9.476 tỷ đồng, đạt 75,4% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển ước thực hiện 4.487 tỷ đồng (kể cả chi năm trước chuyển sang); chi thường xuyên ước thực hiện 4.989 tỷ đồng.  Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng ước thực hiện 9.299 tỷ đồng, đạt 67,7% dự toán, trong đó: chi xây dựng cơ bản 4.463 tỷ đồng (trong đó: chi XDCB từ vốn trong nước theo dự toán: 2.582,8 tỷ đồng, chi XDCB năm trước chuyển sang: 1.871,9 tỷ đồng) và chi thường xuyên 4.815 tỷ đồng, đạt 71,7% dự toán.

Nhìn chung, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng đầu năm 2017 đảm bảo tiến độ so với dự toán giao và tăng so với cùng kỳ năm trước (21,9%), theo đó đã đảm bảo nguồn để cân đối cho nhiệm vụ chi theo dự toán, đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển, chi cho công tác chuẩn bị tuần lễ cấp cao APEC 2017, thực hiện chương trình thành phố “4 an” và các nhiệm vụ, sự kiện quan trọng của thành phố.

6. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội

Về khoa học - Công nghệ: Trong 9 tháng, ngành chức năng đã thẩm định, nghiệm thu 10 đề tài cấp thành phố ứng dụng thực tiễn. Tăng cường quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thành phố đã tổ chức 02 lớp tập huấn và Diễn đàn “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới: Đổi mới - Cải thiện cuộc sống”; công nhận 21 sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với thành phố Đà Nẵng; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 03 tổ chức kinh tế tập thể; chuẩn bị tổ chức Diễn tập Ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp thành phố năm 2017; tiến hành điều tra năng lực công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn và ban hành Kế hoạch tổ chức Sự kiện Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ năm 2017 tại Đà Nẵng.

Về Văn hóa - Thể thao: Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, hấp dẫn nhân các dịp lễ, Tết gắn với các hoạt động kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 cùng chuỗi các hoạt động phụ trợ và triển khai 09 hoạt động văn hóa - lễ hội thường xuyên hai bên bờ sông Hàn, thu hút đông đảo người dân và du khách. Phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia cho Di tích lịch sử Hải Vân Quan. Tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao quần chúng và hoạt động TDTT quốc gia, quốc tế; tính đến ngày 21/8/2017, Đoàn Thể thao Đà Nẵng tham gia thi đấu đạt 153 huy chương vàng, 172 huy chương bạc và 227 huy chương đồng.

Về Giáo dục và Đào tạo: Tập trung đầu tư cơ sở vật chất dạy và học, nhất là đảm bảo các điều kiện dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học. Đến nay, toàn thành phố có 92,9% học sinh được học 2 buổi/ngày, trong đó 88% trường có 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Hoàn thiện dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai có hiệu quả Đề án Sữa học đường giai đoạn 2016-2018 và trình phê duyệt Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020.

Về Y tế: Tình hình bệnh Sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố có dấu hiệu gia tăng tại 07/08 quận, huyện. Tính đến ngày 10/9/2017, thành phố có 4.746 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 94,5% so với cùng kỳ 2016, không có tử vong do Sốt xuất huyết; 985 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 2,76%) và 871 trường hợp mắc thủy đậu (giảm 22,02%). Triển khai chương trình “an toàn vệ sinh thực phẩm” thực hiện chương trình “thành phố 4 an”, ngành chức năng đã tập trung công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, thành lập 87 đoàn thanh tra, kiểm tra 6.531/10.648  cơ sở kinh doanh thực phẩm, đạt tỷ lệ 61,3%, trong đó có 581 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 8,9%. Trong 9 tháng, trên địa bàn thành phố xảy ra 04 vụ với 52 người bị ngộ độc thực phẩm.

Về Lao động - Thương binh - Xã hội: Trong 9 tháng, các thành phần kinh tế ước đã tạo việc làm cho 28.669 lao động, đạt 81,2 % kế hoạch, tăng 0,8 so với cùng kỳ 2016, trong đó, tạo việc làm tăng thêm cho 17.965 lao động, đạt 77% kế hoạch, tăng 5,5%.

Thực hiện tốt công tác chăm sóc các đối tượng chính sách, người có công, thành phố đã giải quyết chế độ chính sách cho hơn 21.500 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên, kinh phí chi trả hàng tháng gần 28 tỷ đồng; hoàn thành Đề án sửa chữa nhà ở cho người có công năm 2017 với 1.430/1.325 nhà được sửa chữa, xây mới đưa vào sử dụng, đạt 107,9% kế hoạch; triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; hoàn chỉnh 48 hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH; hoàn thành xây mới nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Khương, kinh phí trên 20 tỷ đồng và tổ chức di dời gần 900 mộ liệt sĩ.

Tập trung triển khai chương trình “an sinh xã hội” thực hiện mục tiêu “thành phố 4 an”, thành phố đã trợ cấp hàng tháng cho hơn 34.000 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí chi trả hàng tháng hơn 10,5 tỷ đồng; bố trí thuê căn hộ chung cư cho 329 trường hợp; tập trung 190 trường hợp lang thang xin ăn biến tướng. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ được quan tâm, triển khai, thực hiện các hoạt động giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. Đến nay, trên 99% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, giúp đỡ bằng nhiều hình thức; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí và hàng ngàn trẻ em trong gia đình nghèo, khó khăn mắc các bệnh hiểm nghèo được cấp thẻ BHYT và điều trị miễn phí.

7. Công tác xây dựng chính quyền - thanh tra - tư pháp

Công tác xây dựng bộ máy tổ chức chính quyền được quan tâm. Thành phố đã xây dựng Đề án sắp xếp và đổi mới tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Thành phố cũng đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021 cho 21/22 sở, ngành, 04/05 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố và 07/07 quận, huyện. Hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố đã phê duyệt Đề án “Truyền thông cải cách hành chính giai đoạn 2017-2020”, lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2017-2020, Quy chế xây dựng, vận hành và khai thác dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố và Quy định về việc thực hiện mô hình phường xã, điện tử tại thành phố. Tăng cường triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước với tỷ lệ trả kết quả sớm và đúng hẹn đạt 99,9% tại các sở, ban, ngành; 99,7% tại UBND các quận, huyện và 99,9% tại UBND các phường, xã. Kiện toàn sắp xếp lại tổ dân phố, toàn thành phố có 2.784 tổ dân phố, giảm 2.965 (chiếm 51,6%) tổ so với trước đây.

Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành trên địa bàn đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tính công khai, dân chủ, đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật. Ngành Tư pháp đã tham gia thẩm định 79 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, góp ý 152 dự thảo văn bản, thẩm tra kết quả rà soát 47 văn bản, phát hành quyển Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND thành phố; thụ lý 6.152 hồ sơ lý lịch tư pháp và trợ giúp pháp lý cho 600 trường hợp. Triển khai thực hiện công bố công khai danh mục thủ tục hành chính thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích.

8. Quốc phòng - an ninh

Triển khai hiệu quả chương trình “an ninh trật tự”, “an toàn giao thông” thực hiện mục tiêu chương trình “thành phố 4 an”; duy trì công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng chống cháy nổ trong dịp Tết, Lễ 30/4, 01/05 và Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2017. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, ra quân tấn công trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm cố ý gây thương tích, giết người, cướp giật, trộm cắp, ma túy, cờ bạc và tệ nạn xã hội; có biện pháp quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy, tăng cường quản lý địa bàn, quản lý cư trú, nhất là người nước ngoài đến sinh sống, làm việc. Ký kết quy chế phối hợp tuần tra an ninh vùng giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, tiến hành xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố; có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các nút có nguy cơ ùn tắc và phân luồng giao thông phục vụ thi công các nút giao thông khu vực trung tâm thành phố (nút giao thông Trần phú - Lê Duẩn, Nguyễn Tri Phương - Điện Biên phủ…). Kết quả tình hình tai nạn giao thông 9 tháng đã giảm trên cả 3 tiêu chí.

Tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2016 và tăng trưởng cao trên các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, thương mại, thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng cả về số lượng và quy mô dự án. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Các công trình trọng điểm cơ bản đảm bảo tiến độ. Tiến độ thu ngân sách đạt khá so với dự toán. Các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí diễn ra sôi nổi; công tác chuẩn bị, tổ chức Lễ hội pháo hoa Quốc tế, Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được chỉ đạo khẩn trương, chu đáo. Chương trình thành phố “4 an” được triển khai tích cực gắn với các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, chủ trương “Năm văn hoá, văn minh đô thị” và đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”. Thực hiện tốt chương trình xây dựng, sửa chữa nhà cho các gia đình chính sách. Công tác cải cách hành chính được chú trọng, thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước năm thứ 4 liên tiếp về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (Par index), và năm thứ 8 liên tiếp về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, một số chỉ tiêu tăng trưởng thấp so với cùng kỳ như: doanh thu vận tải, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn xây dựng cơ bản; công tác quản lý trật tự xây dựng tuy được tăng cường song tình trạng xây dựng không phép, trái phép vẫn còn xảy ra, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo. Tình hình tội phạm, đặc biệt tội phạm về ma túy còn diễn biến phức tạp.

II. Một số nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2017

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017, Nghị quyết số 02-NQ/TU của Thành ủy và Nghị quyết số 83/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, Quyết định 659/QĐ-UBND của UBND thành phố về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN thành phố năm 2017; tập trung các công tác chuẩn bị và tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017; bám sát tiến độ, triển khai có chất lượng các công trình, nhóm công trình trọng điểm năm 2017; triển khai kế hoạch thực hiện Nghị định số 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng và tập trung các nhiệm vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, cụ thể như sau:

1. Tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng

Hoàn thành thủ tục thành lập các cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc và phương án giá thuê đất ưu đãi trong các cụm công nghiệp. Nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập cụm công nghiệp làng nghề nước mắm Nam Ô. Tiếp tục triển khai các thủ tục sớm đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp mới; các thủ tục kêu gọi đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020; triển khai lập Đề án di dời KCN Đà Nẵng, Đề án xây dựng KCN Hòa Khánh hướng đến mô hình KCN sinh thái. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2 Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Hoàn thành hồ sơ xây dựng nâng cấp Cảng cá động lực Thọ Quang và hồ sơ quy hoạch Khu Trung tâm nghề cá lớn Đà Nẵng. Theo dõi chỉ đạo sản xuất vụ Đông 2017 và Đông Xuân 2017-2018, chú trọng sản xuất đảm bảo năng suất, chất lượng phục vụ cung ứng cho dịp Tết. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh thái an toàn thực phẩm. Tổ chức Hội nghị “Thu hút đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao thành phố Đà Nẵng gắn kết với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, ứng phó với sự cố thiên tai; chú trọng theo dõi tình hình tưới tiêu, triển khai kế hoạch tưới vụ Đông 2017, Đông Xuân 2017-2018. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; tổ chức thường trực 24/24 giờ sẵn sàng xử lý kịp thời các vụ phát lửa, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lâm sản trên địa bàn, kịp thời xử lý nghiêm các vụ vi phạm lâm luật.

Hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án Cơ chế chính sách ưu đãi đột phá phát triển du lịch 03 địa phương (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam). Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống tiện ích tại các bãi tắm công cộng tuyến Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và tuyến Nguyễn Tất Thành. Xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2018. Chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thị trường nội địa và quốc tế trọng điểm như: Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), Đông Nam Á; mở rộng khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng (Pháp, Đức, Anh, Úc, Bắc Mỹ) và thị trường mới (Ấn Độ). Xúc tiến quảng bá mở các đường bay quốc tế mới từ các thị trường trọng điểm đến Đà Nẵng; quảng bá, xúc tiến du lịch tại các nước có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng và các thị trường tiềm năng đang hướng đến; đẩy mạnh quảng bá loại hình du lịch MICE.

Tổ chức thành công Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2017 và Kế hoạch tổ chức Hội chợ Xuân 2018; các chương trình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hoàn thành các đề án khuyến công và các chương trình xúc tiến thương mại năm 2017. Tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát diễn biến thị trường hàng hóa để chủ động xử lý nhằm bảo đảm đủ nguồn cung những mặt hàng thiết yếu với giá cả ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung, sốt giá nhất là trong những thời điểm có thiên tai, bão lũ. Xử lý kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp pháp, buôn lậu, gian lận thương mại. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Mậu Tuất.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về vận tải công cộng bằng xe buýt, triển khai Đề án “Phát động phong trào kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt” để sử dụng hiệu quả hệ thống xe buýt công cộng; tăng cường kiểm tra xử lý các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động “xe trá hình” trên địa bàn thành phố, đặc biệt vào dịp cuối năm; tập trung công tác chống ùn tắc giao thông, ưu tiên bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tại khu vực trung tâm thành phố, xây dựng văn hóa giao thông; triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông minh; hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ logistics.

Tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, các ứng dụng trên nền tảng chính quyền điện tử thành phố, đặc biệt rà soát các chương trình theo tinh thần Nghị quyết 36a của Chính phủ; phát huy hiệu quả việc triển khai Đại lý Dịch vụ công trực tuyến và Cổng thanh toán trực tuyến; triển khai các nội dung liên quan đến Đề án thành phố thông minh theo Biên bản ghi nhớ đã ký giữa UBND thành phố và Tập đoàn Viettel. Hoàn thiện Quy hoạch tổng thể mạng lưới trạm BTS trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Quy hoạch xuất bản - in - phát hành đến năm 2025 tầm nhìn 2030, Kế hoạch tổ chức các giải báo chí năm 2017.

2. Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm; thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, bảo vệ môi trường

Tiếp tục triển khai các hoạt động theo Kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2017,  lập các dự án trọng điểm phục vụ công tác xúc tiến đầu tư và tiếp tục xúc tiến các thủ tục liên quan đến đất đai, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu Công viên phần mềm số 02. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, thuận lợi cho doanh nghiệp. Tăng cường đối thoại, thường xuyên theo dõi và gặp gỡ doanh nghiệp để nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường để đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Rà soát các dự án chậm triển khai, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục giãn tiến độ dự án theo Luật Đầu tư và Luật Đất đai.

Đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 gắn với các hoạt động khởi nghiệp. Thành lập trang thông tin về khởi nghiệp trong website Cổng thông tin doanh nghiệp của thành phố; hỗ trợ các trường xây dựng các CLB khởi nghiệp, trước mắt hỗ trợ Đại học Đông Á xây dựng Vườn ươm; lựa chọn một trường THPT để chủ trì tổ chức cuộc thi khởi nghiệp/đổi mới sáng tạo dành cho học sinh trung học trên địa bàn thành phố; kêu gọi hỗ trợ trong và ngoài nước tổ chức Chương trình Huấn luyện khởi nghiệp Startup Weekend Đà Nẵng năm 2017; hoàn thiện và trình UBND thành phố phê duyệt Đề án Thành lập Quỹ hỗ trợ khởi; phối hợp với Vườn ươm doanh nghiệp trong triển khai tổ chức các chương trình bên lề Hội nghị APEC 2017.

Đôn đốc các chủ đầu tư, quản lý dự án tập trung tất cả các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các công trình, hạng mục công trình phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017; đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa bàn giao mặt bằng để thi công các công trình đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2017; đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành các công trình theo kế hoạch; khẩn trương hoàn tất các hồ sơ thủ tục để khởi công các công trình: Tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh, Tuyến đường liên xã Hòa Phú – Hòa Ninh, Cải tạo Nút giao thông phía Tây cầu Tiên Sơn, Nâng cấp cảng cá Thọ Quang, Xử lý thoát nước tại Khu vực dự án Khu công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía Đông Nam Đài Tưởng niệm, Trường THPT Sơn Trà giai đoạn 1 (Xây lắp và trang thiết bị phục vụ dạy học, làm việc), Khối lớp học, hiệu bộ, phòng bộ môn Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (g/đ 1), Trường mầm non, khu vui chơi và sân thể thao khu vực Khánh Sơn (giai đoạn 1), Đội y tế dự phòng thuộc Trung tâm y tế dự phòng huyện Hòa Vang, Cải tạo Trụ sở làm việc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPĐN, Khu dân cư Chợ Hòa Thọ Tây (g/đ 1)... ; triển khai xây dựng sớm để giải ngân vốn Trái phiếu chính phủ năm 2017 cho dự án Tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh; đẩy nhanh hồ sơ thủ tục hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trước ngày 31/10/2017 để đảm bảo điều kiện bố trí vốn triển khai năm 2018 và khởi công công trình nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân…

Thực hiện rà soát điều chuyển vốn những dự án không thực hiện đúng tiến độ, kém hiệu quả cho những dự án đang cần vốn để chi trả đền bù, thanh toán khối lượng, các công trình trọng điểm, công trình cần đẩy nhanh tiến độ, và quyết toán...  Xây dựng kế hoạch vốn XDCB năm 2018, rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Trung ương (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Tiếp tục làm việc với các nhà tài trợ, tổ chức nước ngoài và các cơ quan Trung ương triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Tích cực phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương để triển khai các dự án theo Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là đẩy nhanh chuẩn bị đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1), dự án mở rộng Nhà máy nước Cầu Đỏ, dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, di dời Ga đường sắt và tái phát triển đô thị, xây dựng Hành lang Kinh tế Đông - Tây 2, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14G, Quốc lộ 14B (giai đoạn 2), nâng cấp Cảng cá Thọ Quang, cải tạo hệ thống thu gom và các cửa xả thải ven biển và các lối đi xuống biển...; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Cảng Tiên Sa (giai đoạn 2), Nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Lê Độ, Bệnh viện Phụ sản - Nhi giai đoạn 2.

Thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị; gắn việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại với công tác thiết kế và xây dựng các công trình kiến trúc tiêu biểu; tăng cường xử lý vi phạm về trật tự xây dựng; tiếp tục rà soát, kiểm tra và xử lý các công trình xây dựng.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố theo mục tiêu tại Quyết định số 7702/QĐ-UBND ngày 08/11/2016 của UBND thành phố. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải của các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm và các trạm xử lý nước thải, hoàn thành điều tra khảo sát, thống kê các cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc phạm vi quản lý có đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước đô thị. Tổ chức có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng “Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn”. Kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại và có giải pháp hỗ trợ, đền bù thoả đáng cho các hộ dân tại xã Hoà Tiến bị ảnh hưởng đời sống do ô nhiễm môi trường từ hoạt động của phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng trên địa bàn xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hoàn thành Chương trình quan trắc môi trường nước và không khí theo Đề án Xây dựng mạng lưới quan trắc không khí và nước thành phố. Triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020; tổ chức triển khai đánh giá sự thay đổi thủy văn trên sông Vu Gia.

3. Tập trung hoàn thành các công tác tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017

Tập trung hoàn thành các công trình phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và  công tác nâng cấp, cải tạo cảnh quan đường phố, vệ sinh môi trường, trang trí chiếu sáng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, truyền thông, cấp điện, cấp nước, vận động người dân trong ứng xử văn minh…nhằm tạo điều kiện thuận lợi và ấn tượng tốt đẹp cho khách đến tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Đẩy mạnh truyền thông sâu rộng về công tác chuẩn bị của thành phố và các nội dung liên quan đến Tuần lễ cấp cao. Chuẩn bị các ấn phẩm quảng bá về môi trường, cơ hội đầu tư, hợp tác thương mại, du lịch và tổ chức thành công các sự kiện bên lề của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017 v.v.. góp phần vào thành công chung của Tuần lễ cấp cao tại Đà Nẵng nói riêng và Năm APEC Việt Nam 2017 nói chung.

  1. . Đẩy mạnh quản lý công tác thu chi và điều hành có hiệu quả ngân sách nhà nước

Quản lý chặt chẽ các khoản thu, nhất là thu qua hình thức khoán; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, nợ liên quan đến tiền sử dụng đất để giảm số nợ thuế đến ngày 31 tháng 12 năm 2017 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu ngân sách nhà nước năm 2017; phấn đấu thu ngân sách năm 2017 tăng 10% so với dự toán HĐND thành phố giao.

Thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư XDCB theo Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Nghiêm túc tổ chức thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tiền lương; không ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chương trình, đề án có sử dụng ngân sách nhà nước nhưng không hoặc chưa cân đối được nguồn; hạn chế tối đa việc đề nghị bổ sung ngoài dự toán. Tích cực phối hợp triển khai chuyển đổi 04 đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần đảm bảo theo tiến độ đã được phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ chế hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực gắn với thúc đẩy lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công.

5. Tiếp tục giải quyết và phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; tăng cường các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân

Khoa học công nghệ: Tiếp tục triển khai các mô hình ứng dụng năm 2017, tập trung các mô hình có khả năng triển khai ứng dụng rộng rãi, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND, Dự án Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020 và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố

  Văn hóa – Thể thao: Tiếp tục tham mưu triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội hai bên bờ sông Hàn năm 2017; Kế hoạch xét tặng Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân năm 2018, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Theo dõi Kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển hệ thống Thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017 – 2020”; ban hành Kế hoạch truyền thông, quảng bá đối với hệ thống bảo tàng trên địa bàn thành phố; triển khai Đề án tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX tại Đà Nẵng. Tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp thành phố Đà Nẵng, hướng tới Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII -  năm 2018; Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án nâng cao chất lượng công tác xã hội hóa thể dục, thể thao thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục triển khai đầu tư cơ sở vật chất, phấn đấu 100% các trường tiểu học tổ chức dạy 02 buổi/ngày trong năm học 2017 - 2018. Tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia; Tổ chức Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học thành phố; Giao lưu Robotics cấp thành phố; Hội khỏe Phù Đổng năm học 2016-2017 cấp thành phố; thi nghề phổ thông cho học sinh THCS và THPT. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trường học phòng, chống lụt bão năm 2017.

Y tế: Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng,  nghiêm túc thực hiện đầy đủ quy trình phòng, chống dịch theo quy định. Tiếp tục triển khai các hoạt động về an toàn thực phẩm theo chương trình 4 an của thành phố. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án giảm tải cho các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng

Về Lao động - Thương binh - Xã hội: Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình “Có việc làm” giai đoạn 2016-2020. Tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Huân chương độc lập. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Triển khai kế hoạch thực hiện mô hình phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ em tại Đà Nẵng giai đoạn 2017 – 2020 do Irish Aids tài trợ thông qua VietHeath.

Công tác xây dựng chính quyền - thanh tra - tư pháp: Phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố; trình HĐND thành phố thông qua kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc năm 2018. Thể chế hóa nội dung Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025. Xây dựng cẩm nang dành cho công chức phụ trách cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác thanh tra và công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố; tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ về việc tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, chú trọng những vụ việc khiếu nại còn tồn đọng chưa giải quyết.

Tiếp tục triển khai Hội nghị tập huấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Chương trình 585 về hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trọng tâm năm 2017. Tổng kết Đề án triển khai thí điểm thực hiện trao giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, hộ khẩu tại gia đình. Triển khai thực hiện Quyết định 4832/QĐ-UBND ngày 05/9/2017 về kế hoạch thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021.

Quốc phòng - an ninh

Thực hiện tốt kế hoạch đảm bảo an toàn tuyệt đối phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu và tổ chức diễn tập các cấp đạt chất lượng, bảo đảm an toàn. Đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp tội phạm, nhất là nhóm tội phạm cố ý gây thương tích, giết người; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi có tính chất côn đồ, cướp giật, trộm cắp, ma túy. Đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hệ thống camera giám sát; triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông tại các nút có nguy cơ ùn tắc, giảm tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí./.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TP 

Báo cáo kinh tế - xã hội

Hoạt động của lãnh đạo thành phố

Chưa có bình luận ý kiến bài viết!

Báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố và tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 01 năm 2025
Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2024
Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2024
Hoạt động của lãnh đạo thành phố tuần thứ 51
Hoạt động của lãnh đạo thành phố tuần thứ 49
Hoạt động của lãnh đạo thành phố tuần thứ 45

Báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố và tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 01 năm 2025

Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố và tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2024

Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2024

Hoạt động của lãnh đạo thành phố tuần thứ 41

Dự hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ; Chủ trì buổi làm việc của Thường trực Thành uỷ với Đảng uỷ, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông; Kiểm tra thực tế Khu Công viên phần mềm số 2; Dự Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị; Dự sinh hoạt tại Chi bộ Trung Nghĩa 2 thuộc Đảng ủy phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu; Chủ trì Hội nghị Thành uỷ lần thứ 17; Chủ trì phiên họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình triển khai các Luật Đất đai, Nhà ở và Bất động sản; Dự Chương trình Đêm Việt Nam với chủ đề về Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng tại Liên hoan phim quốc tế Busan... là những hoạt động nổi bật của lãnh đạo thành phố tuần thứ 41, năm 2024.

Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố và tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2024

Xuất bản thông tin

THÔNG TIN CẦN BIẾT

Navigation Menu